Niềm vui bếp núc
Với mình, nấu ăn đã trở thành một thú vui, là lúc mình quên hết các áp lực từ dự án, báo giá, đấu thầu, chỉ tiêu doanh số, báo cáo… Mình thấy mình được làm chủ, ít nhất là làm chủ cái bếp nhà mình, ngoài bàn ăn có những người luôn mong chờ được ăn những món mình nấu, dù có lúc chúng không thật sự hoàn hảo do bị nêm quá tay hay nấu quá nhừ, nhưng trên tất cả, mọi người đều hiểu tôi đã thật sự cố gắng. Thế là đủ!
Mình may mắn tìm thấy niềm vui bếp núc, lại thêm từng làm việc cho một tạp chí ẩm thực, nên hay được các bạn tỉ tê nhờ chia sẻ bí kíp. Những lúc như vậy, mình thường nói vui, bí kíp thực ra là… chẳng có bí kíp gì.
Bữa cơm nhà mình ngày thường đơn giản, nhưng luôn có đủ ba món: canh, mặn, xào. Và mình luôn nằm lòng những nguyên tắc cơ bản nhất để bữa ăn trở thành sự kết hợp hoàn hảo giữa hai yếu tố: vị ngon và đảm bảo sức khỏe.
Mình thường lên thực đơn trước cho 1 tuần.
Sẽ mua sẵn thực phẩm để chế biến các món mặn (chất đạm), sơ chế rồi chia ra thành những phần nhỏ vừa đủ cho mỗi bữa ăn. Thường nhà mình các món ăn trong 1 tuần không bị lặp lại. Mình cất hết vào ngăn đá tủ lạnh, mỗi sáng trước khi đi làm, lấy thực phẩm xuống ngăn mát để rã đông. Chiều về, tranh thủ tạt vào siêu thị gần nhà mua mớ rau, thế là chỉ độ 30 phút, bữa tối đã sẵn sàng.
Nguyên tắc kết hợp các loại thực phẩm trong bữa ăn để cân bằng dinh dưỡng:
Món canh dùng củ, quả thì món xào sẽ dùng rau lá. Ví dụ: Canh bí đỏ, rau cải bó xôi xào.
Cân bằng lượng và chủng loại chất đạm. Món mặn là thịt thì món xào hoặc món canh sẽ không dùng thịt, mà dùng đậu hũ hoặc cá, hải sản; hoặc ngược lại. Ví dụ: Thịt gà kho gừng, canh hến cà chua. Hoặc món canh rau củ hầm với xương ống sẽ đi kèm với món đậu hũ sốt cà chua và nấm rơm… Nói chung, nếu món nào cũng dùng thịt, bữa ăn sẽ trở nên rất nặng nề, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Mỗi bữa ăn nên có càng đa dạng thực phẩm càng tốt, nên tôi luôn tìm cách kết hợp vài loại thực phẩm trong 1 món ăn. Ví dụ: Thay vì canh mồng tơi sẽ là canh mồng tơi và mướp; thay vì thịt heo kho thì sẽ là thịt heo kho đậu hũ/củ cải/su hào; thay vì giá xào thì sẽ là giá xào chung nấm bào ngư…
Hạn chế dầu mỡ: Nếu đã có món cá chiên thì thay món rau xào bằng rau luộc.
Đôi khi, chỉ một sự thay đổi nhẹ nhàng mà trở thành điểm nhấn quan trọng giúp tăng khẩu vị. Ví dụ, thay món rau xào hoặc luộc bằng món xà lách trộn dầu giấm, vừa ngon miệng vừa thanh nhẹ.
Các loại rau nêm có vai trò rất quan trọng. Chẳng hạn, nghe mùi riềng, con tôi biết ngay hôm ấy có món cá chép kho riềng. Canh bí xanh thì dùng hành và ngò (rau mùi), nhưng canh bí đỏ phải dùng ngò gai (mùi tàu). Mực xào dưa leo hay đậu cô ve xào thịt bò thì nhất định phải có cần…
Màu sắc và cách trình bày góp phần rất quan trọng để kích thích các giác quan. Hôm nào thư thả, hãy nấu món canh lê-gim có cà rốt màu đỏ, khoai tây màu vàng, củ dền màu tím, bắp cải trắng và su su màu xanh; hoặc canh chua Nam bộ với dứa (thơm) màu vàng, giá đỗ trắng, đậu bắp xanh, cà chua đỏ… bạn sẽ cảm thấy phấn chấn với chuyện ăn uống hẳn lên!
Các bạn mình thoạt đầu nghe thì bảo, ôi, nhiều quá làm sao mà em nhớ hết. Em có con nhỏ, bận túi bụi, hơi sức đâu mà chiều chồng, nấu nướng cầu kỳ như thế. Chồng em chẳng thông cảm, nên hay thở dài bỏ bữa lắm, mà em đành chịu thôi!
Bạn có cái lý của bạn. Đi làm về mệt đứt hơi, chưa kể nếu cãi nhau với sếp hay bị khách hàng chê bai thì còn mệt hơn, lại phải lao vào bếp núc nóng nực, lích kích, thấy phiền phức là phải rồi. Hậu quả là nấu qua quýt, nêm vội vàng… rồi cũng đĩa này, bát nọ bày ra mà bản thân mình cũng chẳng muốn động đũa.
Nhưng đã là phụ nữ có gia đình, thì dù muốn hay không, bếp núc cũng là một phần của cuộc sống rồi! Bí quyết hay công thức ai cũng “sở hữu” được, cứ google search hoặc hỏi thăm bạn bè là ra ngay. Vấn đề là mình đặt tâm hồn mình vào đấy kìa, là tâm trí mình, hồn vía mình nghĩ đến cảnh chồng con yêu thích bữa cơm nhà, đến nỗi thằng con húp xì xụp đến thìa canh cuối cùng trong bát của nó, mà còn thèm thuồng nhìn vào mâm: “Mẹ, cho con thêm canh nhé!”. Là lòng mình mong con có đủ sức khỏe đế học hành, để khôn lớn, chồng khỏe mạnh để cùng mình chăm lo cho các con… khi ấy bạn sẽ có đủ năng lượng và nghị lực để vượt khó, xem việc chuẩn bị bữa ăn gia đình không còn là thử thách lớn lao.
Hình: Cứ Google search là ra mọi món ngon, Tây Nhật đủ cả, tha hồ “cải thiện”. Đây là món sườn cừu New Zealand nướng mình vừa luyện được từ niềm vui bếp núc!